Thầy Kao, tên võ là Kao Tam Luân là chưởng môn đời thứ 34 của môn phái Huyền Hoàng Tiểu Cửu Thiên. Hiện sống và hành nghề tại Florida, Kualalumpur, Hongkong, Đài bắc và gần đây là Hà nội.
Thầy Kao là người đã đưa Tẩy tuỷ công vào Việt nam. Gặp thầy như gặp bảo tàng về văn hóa võ thuật Trung quốc.
Tôi được làm quen với môn phái trong một lần uống bia với các bạn bên SilverLake, một đối tác quan trọng của FPT trong lĩnh vực ngân hàng. Vương Phu An (sau này là sư huynh của chúng tôi), đã cá cược với Tùng Kế toán trưởng FPT rằng ông ta có thể nhấc 25kg bằng cái ấy của đàn ông. Anh em ai nấy cười khẩy nhưng thấy thái độ quả quyết của Vương, không ai dám đặt cược. Biết không tận mắt nhìn thấy, sẽ khó tin Vương giới thiệu khá chi tiết và thành thật khuyên tôi nên tập cho khoẻ. Quả thật lúc đó tôi thấy mình ốm yếu lắm, người lúc nào cũng bì bì, buồn ngủ. Đi khám thì kẻ bảo thay van tim, người khuyên mổ cột sống. Vương thì trông lúc nào da dẻ cũng hồng hào, dự án có vấn đề vẫn cười tươi như hoa. Những lúc rỗi rãi anh lại kể những cảm giác tuyệt vời nhờ luyện Tẩy Tủy Công, rồi anh nhắn tôi lên khách sạn để demo với chính bản thân mình. Anh bỏ tiền ra mời sư phụ sang Việt nam và trả học phí cho cả 5 học sinh khoá đầu. Đó là vào đầu hè năm 2002. Sau đó không hiểu sao sư phụ lại khoái Việt nam và mấy thằng học trò lười tập luyện, nhưng rất mong chóng tiến bộ, nên cũng thường xuyên sang một năm đôi ba lần.
Tôi phải cám ơn Vương rất nhiều vì sự tận tình với bạn bè của anh đã giúp tôi hé được cánh cửa vào thế giới huyền bí của võ thuật Trung hoa. Ngoài ra sức khoẻ cũng tiến bộ đáng kể, đặc biệt nhất là tâm tính trở nên cân bằng hơn. Gặp khó khăn không luống cuống. Thấy món lợi không hồi hộp. Tuy so với sư phụ thì mới chỉ như hạt cát với thái sơn, nhưng cũng đã làm cho cuộc sống trở nên đáng yêu hơn nhiều.
Tôi thật may mắn được gặp sư phụ. Đọc Kim Dung thấy đủ loại hình cao thủ võ lâm, giờ được tận mắt chứng kiến, tận mồm đàm đạo, tận tai nghe chỉ bảo. Bảo sao không gọi là may mắn. Sư phụ năm nay đã ngoài 70 tuổi, nét mặt rắn rỏi mà rạng rỡ, lúc nào cũng tươi cười, ung dung tự tại. Kiến thức uyên thâm, luôn sẵn sàng đối thoại, thú vui trong thiên hạ gì cũng muốn biết, nhưng không bao giờ ham hố.
Mỗi lần có học viên mới thầy rất vui. Lần nào sang Việt nam, rủ đi chơi, thầy đều từ chối, nói tao sang đây có mấy ngày, tập trung chỉ bảo cho bọn mày, đi chơi hẹn lúc khác. Vậy mà anh em ta hay có tật vui đâu chầu đấy, cả thèm chóng chán, chưa gặp thì háo hức, được mấy hôm thì bỏ học. Dân đen hay quan chức thì cũng thế cả. Tưởng thầy buốn lắm, tôi áy náy, tìm cách thanh minh thanh nga. Thầy cười xòa, đừng quan tâm, khi nào cần, người ta sẽ quay lại.
Có lần dẫn thầy đi ăn ở quán, thấy cô bé chơi đàn bầu hay quá, thầy bảo tao sẽ học chơi đàn này. Anh em dáo dác chạy đi mua cho thầy 1 cái đàn để thầy mang về tập. Lần sau thầy sang, tôi đánh tiếng: không hiểu là thầy đã chơi được chưa? Thầy cười nói: cái đàn chúng mày mua cho tao là đàn cho dân du lịch, đánh không kêu. Tôi giật thót mình, thầy an ủi, đừng lăn tăn, chúng mày ko phải chuyên nghiệp bị lừa là đúng rồi. Tao đến đúng cái nhà hàng hôm nọ, may quá gặp lại vẫn cô đánh đàn ấy, nhờ cô ấy mua đàn và dạy luôn. Bây giờ tao chơi được rồi đây này.
Lại nhớ hồi thầy mới sang, cứ dạy dỗ xong rồi về, anh em vô tâm, cũng không hỏi thầy sang đây bằng tiền nào, khách sạn, taxi, ăn uống lấy ở đâu? Thấy thầy vẫn tươi như hoa, nghĩ thầy là tiên, xá gì mấy cái vật chất tầm thường. Nhưng về nhà chột dạ, tôi mới hỏi sang huynh trưởng Wong bên Mã, “chẳng thấy thầy nói gì, ko hiểu thế nào?” Huynh mắng cho một trận, tao chỉ nói cho mày biết là thầy chỉ sống nhờ học sinh thôi. Lần sau, tôi hết sức rón rén, thưa thầy, bọn con có món tiền nhỏ. Chỉ sợ thầy giận, ai ngờ thầy cười vang, thế à, may quá, tao cũng đang hết tiền đây, rồi cầm ngay, Không hỏi thêm một câu nào. Hành động thật tự nhiên, thư thái, không một chút giả tạo
Những bài học từ Sư phụ
Nguồn gốc của môn phái
Tẩy tuỷ công là bí kíp luyện công của phái Tiểu Cửu Thiên, (nôm na là chín tầng mây), theo triết lý là trên trời có 9 tầng mây thì cơ thể cũng có thể chia ra làm 9 tầng nhỏ. Dựa vào đó mà biến hóa. Về công, lấy tẩy tủy công làm gốc. Về quyền pháp, lấy ngũ hình và tính cách của 12 con giáp để theo. Về kiếm thì sử loại kiếm dài, thẳng có 2 đoạn răng cưa ngũ hành và thất tinh, cán nhọn có thể trở đầu và phải sử hai tay như một. Môn phái được bắt nguồn từ đời Đường, khoảng thế ký thứ 7 rồi bị mất hút. Cho đến đầu thế kỷ 20.
Tương truyền, lúc đó, ở vùng Đông Bắc Trung quốc có thanh niên tên là Kiều Trường Hồng vốn thuộc dòng dõi danh giá, được dạy dỗ đủ loại văn chương, võ nghệ. Một hôm đi chơi, thấy ngôi chùa đẹp trên đỉnh núi thì ghé vào xem. Ra sau chùa gặp chỗ kín đáo có tường bao, cậu liền phi thân bay qua. Trong gian nhà sau thấy một lão đạo sĩ đang ngồi thiền, cậu có vẻ coi thường, buông lời châm chọc. Lão liền gọi cậu thanh niên lại, giơ ngón tay út lên và hỏi: “liệu cậu có thể gập ngón tay này cho lão lại được chăng?” Kiều thiếu niên cười khẩy, vận công định bẻ gãy ngón tay cho lão già biết thân. Ai ngờ đụng vào khác nào đụng vào vách đá, biết ngay là gặp cao nhân, bèn sụp xuống tạ tội. Lão sư thở dài, xoa đầu thiếu niên và nói: “ta và con có duyên gặp nhau hôm nay, có điều chân khí của con là nhà con một, không thể theo cửa chùa, môn phái của ta thế là đến lúc phải ra khỏi ngôi chùa này. Nếu con đồng ý làm đệ tử, hãy về thưa với bố mẹ”. Thế là Kiều Trường Hồng trở thành đệ tử đời thứ 33 và Tiểu Cửu Thiên bắt đầu chu du ra thiên hạ.
Để hiểu tẩy tuỷ công là gì. Có thể ví cơ thể như một cỗ xe, còn chúng ta là người lái xe. Các bộ phận cơ thể cũng như những chi tiết máy. Chúng ta ăn vào, không khác gì đổ xăng. Đáng tiếc là trong cuộc sống, đa số chúng ta chỉ chú trọng nhấn ga, thỉnh thoảng lại tân trang đôi chút nội thất, rửa ráy, thêm xăng, nhớt... Ít người thực tâm chú trọng đến các chi tiết bên trong. Nhiều người cơ quan đủ cả, cơ thể béo tốt mà vẫn không khoẻ. Vậy là do đâu?
Đó là do thiếu chân khí. Khí chính là tia lửa điện đốt cháy nguồn nhiên liệu tích luỹ trong cơ thể, giải phóng năng lượng, tạo nên những điều kỳ diệu. Sư phụ đã từng demo dùng tờ tiền giấy chém gẫy tan chiếc đũa hoặc đẩy tay mà tạo nên cả một luồng kình lực có thể nhấc bổng đối thủ, chẳng khác gì chuyện chưởng
Tạo ra khí là tủy sống, chính là cái bugi của chúng ta. Tẩy tuỷ công là một loạt các bài tập để nâng cao sức mạnh của Tuỷ. Bản chất của môn học là giúp chúng ta nâng cao chức năng của tuỷ, tạo và điều hoà khí trong cơ thể. Tuy nhiên các môn sinh thường cũng tỏ ra rất thích thú về những “hiệu ứng phụ”
Có nhiều người cho rằng tẩy tuỷ công chính là bí quyết luyện công căn bản của chùa Thiếu lâm nổi tiếng nhờ Kim Dung qua bộ Dịch cân Tẩy tuỷ Kinh (viết tắt là Dịch cân kinh). Tuy nhiên sư phụ bác bỏ điều này. Chùa Thiếu lâm mới nổi danh trong giới võ thuật từ sau khi nhà Minh sụp đổ. Những kẻ phản Thanh phục Minh đã tụ tập về chùa, mượn tên chùa để chiêu mộ quân sĩ kiểu mãi võ, tuyển quân. Còn Tẩy Tủy Công đã có từ lâu, nguồn gốc xuất phát từ đạo Lão với mục tiêu chủ yếu để luyện sức khoẻ. Trong Wikipedia tiếng Việt thì cho rằng Tẩy tuỷ kinh đã bị thất truyền.
Tẩy Tủy Công tập đơn giản và chủ yếu là tự tập, tự kiểm tra kết quả với bản thân. Bởi thế những ai mong muốn hội hè sau mỗi chầu “tập thể dục” chắc không khoái lắm. Dựa trên những yếu tố cơ địa của người tập, sư phụ sẽ xác định cường độ và tiến độ của các bài tập. Trong các bài có một yêu cầu phải nhấc và lắc một vật nặng bằng đốt cuối của cột sống. Khối lượng của vật nặng này cũng là một yếu tố đo sự tiến bộ. Hiện tại ở VN người đeo được nặng nhất là 25 kg, nhưng chắc chắn sắp tới kỷ lục này sẽ bị phá vỡ. Sư phụ có thể nhấc được 1 tạ
Tẩy tủy công - Từ đâu ra?
Tẩy tủy công là gì, từ đâu ra, kẻ ngoại đạo như tôi làm sao dám mở mồm, nói gì đến đăng đàn diễn thuyết, nên chỉ dám chép lại chính xác ở đây những gì mà Đại sư phụ Kiều Trường Hồng đã để lại trong cuốn « Trung quốc tẩy tủy công phu đích chân đế »
Võ đạo đại sư KIỀU TRƯỜNG HỒNG, đạo danh Hoàng Trung Thiên. Quê quán Cừ Ấu ngộ dị, thụ học võ thuật. Ông từng nghiên cứu sâu về học thuật Đạo Gia [1] và Mật Tông [2], đặc biệt đã nhận được sự chân truyền về Đạo Gia Tiểu cửu thiên học, có những chỗ độc đáo. Ông cũng là truyền nhân tục gia y bát duy nhất từ xưa đến nay của môn Tiểu cửu thiên học. Sau khi tới Đài Loan, ông đã sáng lập Huyền hoàng Tiểu cửu thiên học xã, tự mình gây dựng riêng một cơ nghiệp, nổi tiếng thế gian về quyền, kiếm, công. Ông Kiều là học giả nổi tiếng trong giới Quốc thuật, từng đảm nhiệm các chức vụ hội đoàn trong ngoài nước như Ủy viên thường vụ chấp hành Tổng hội Quốc thuật Trung Hoa Dân quốc, Ủy viên chấp hành Hội Xúc tiến thế giới Quốc thuật Trung Hoa, Trưởng trọng tài quốc tế, Huấn luyện viên trưởng Tự cường kiện thân xã Philippines và Cố vấn Trung tâm nghiên cứu u châu Trung Quốc công phu tại Paris. Ông là tác giả của các tác phẩm như Giác đề vũ đạo sử quan, Tiểu cửu thiên học chân giải, Trung Hoa văn hóa luận hằng.
“
Cuối đời Thanh, đầu đời Trung Hoa dân quốc,ở huyện Cẩm Châu, vùng Đông Bắc có Tam Thanh đạo quán, dựng ở Lộc Sơn, chiếm một vùng đất bằng hàng vạn thước vuông, xây đủ lầu các nguy nga bên trong rất nhiều đạo sĩ học kinh luyện đan.
Quán chủ có đạo hiệu là Lư Sơn đạo nhân, không biết người ở đâu lại, không nói rõ tên tuổi, quê quán nơi nào, nhìn mặt thì khoảng hơn năm mươi. Theo lời một đạo đồng nói rằng: Đạo đồng này, đã hai đời phục vụ Đạo chủ, đến mấy chục năm nay, cũng không rõ Đạo chủ tên họ ra sao. Có hỏi cũng không chịu nói. Nếu tính toán chi li, thì Quán chủ phải có một trăm năm mươi tuổi trở lên. Đông cũng như hè, quán chủ mặc một áo đạo bào màu xám. Hạ không dùng quạt, đông không khoác áo kép. Ánh mắt như điện, có thể nhiếp hồn người ta. Thường thường đóng cửa nhập định. Có đến mấy chục ngày không ăn cũng không đói. Đạo chủ luyện khí công, như đã đạt đến cảnh giới lô hoả thuần thanh.
Tình cờ có lần thấy Đạo chủ uống một thùng nước lớn, rồi phun ra như những dải lụa, có thể nhập vào gỗ hơn một thốn. Lại thấy ngón tay của Đạo chủ cong như lưỡi câu, móc vào con trâu đang cày, khiến con trâu không thể cử động. Rõ ràng là bậc dị nhân. Những người như Quán chủ, giống y như tiên ông Cát Hồng đã nói: “Có hồ đất rộng, Ẩn dật lấy tâm. Sách vở lỡ lầm, Tu đạo không hư. Chẳng cần thanh danh, không cầu quan chức, không cầu thành đạt”.
Chuyện là thế vậy. Nhà ta (tác giả Kiều Trường Hồng tự xưng) vốn nằm đối diện với Đạo quán, nên đã đem mười mẫu đất núi hiến cho Đạo quán. Nhân vì có cơ duyên, nên lên Đạo quán, bái Quán chủ làm thầy. Việc này cách nay đã bốn mươi lăm năm từ cuộc gặp gỡ kì ngộ đó. Quán chủ dạy cho ta Hoàng lão học thuật, gọi là đạo công “Tiểu cửu thiên”. Tiểu cửu thiên chia các phần học ra làm ba loại Quyền, kiếm, công. Quyền thì gọi là Cửu cung. Kiếm thì gọi là Ngũ hành bát quái cửu cung tý ngọ âm dương càn khôn đoạt mệnh kiếm. Công thì gọi là Tẩy tuỷ.
Trong thời gian thụ nghiệp với Quán chủ, quán chủ đã khuyến khích rằng: Tiểu cửu thiên, chính là vật báu để trấn giữ Đạo quán của thầy. Đời đời truyền lại. Đã từng trải từ: Võ đạo Hiên Viên, Tông phái đạo ta, học Tiểu cửu thiên, Đạo nội truyền thừa, Hành hiệp trượng nghĩa, Mặc Địch cũng theo. Công thành chính quả, quyết thuỷ khắc chung. Trải đã ba mươi hai đời. Quán chủ chính là truyền nhân của đời thứ ba mươi hai này. Đấy cũng chính là những điều được ghi trong Đạo phả thành câu ca. Giống như tại Đường triều (Thế kỉ mười hai) Bản Đạo tiền bối Trưởng lão đã từng tuyên chiêu, nhưng không thể khảo chứng. Những học thuật này không được truyền cho người ngoài. Hiện nay bởi cùng đệ tử có cơ duyên, cho nên thầy mới phá lệ mà nhận đồ đệ vậy. Cũng may mà không có kẻ dòm ngó. Nếu như đồ đệ học thành tựu thì hãy tự lập Đạo thống lấy danh là “Huyền Hoàng Cửu Thiên môn”, một cách công khai ở cõi đời. Vì các đời Viêm Hoàng mà nối tiếp được một tuyệt học. Nguyện Đạo tổ ban phúc cho để hành đạo, kiến nghiệp. Giúp cho đồ đệ lập đức, lập nhân. Đồ đệ hãy cố gắng, còn nhiều kì vọng sau này!
Đồ đệ ta thật không bất tiếu, dẫu tư chất ngu độn, phúc đức bất túc, sở đắc không thể nào bằng một phần trăm của Quán chủ, thật chỉ có da thịt này, đầu tóc này. Đồ đệ này may được thụ hưởng Tẩy tuỷ công phu từ nguồn gốc, như đã thuật trên đây.
Tẩy tuỷ công phu được khởi thuỷ và phát triển từ triều Hán. Đến triều Đường về sau, các nhà Đạo học tiên triết vận dụng những tri thức tâm đắc về sinh mệnh, với vai trò thuỷ tổ khai sáng tư tưởng tu đạo là Thái Thượng Đạo Tổ Hoàng Đế với tư tưởng tu đạo “Nghịch thiên nhi thướng”. Mở ra, phát minh một tông phái hoàn toàn mới mẻ, một Đạo thuật chi phối sinh mệnh bằng con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất- đấy chính là Tẩy tuỷ công phu. Mục đích của tông phái là nghiên cứu bên trong, biến hoá của con người, dẫn tới hình thành những nguyên tắc để có thể chi phối sự biến hoá này. Kết quả là có được phương pháp để có thể kéo dài tuổi thọ, cuộc sống của con người với một cơ năng cường khang, bằng con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Nói khác đi, trên cơ sở những quy tắc của biến hoá sinh lí nội bộ, giải quyết vấn đề đặt ra là như thế nào để có thể duy trì lâu dài “Sinh mệnh lực”- Sức sống, và “Sinh tồn năng”- Khả năng sống.
Tẩy tủy công - không huyền bí
Tẩy tủy công tập đơn giản, nhưng đòi hỏi kiên trì, kết quả thường do chính ta cảm nhận được chứ không dựa vào một thước đo khách quan nào bên ngoài. Tuy nhiên tuyệt đối không có sự huyền bí. Bất cứ chỗ nào có thể, thầy đều tìm cách giải thích cho chúng tôi hiểu tại sao lại làm như vậy.
Lúc đầu, khi phải nhấc một vật nặng, anh em ai cũng sợ nhỡ đâu căng cơ, chuột rút. Thầy chỉ hỏi 1 câu đơn giản: “bọn mày đã thấy có đứa nào thò tay vào lửa mà bị bỏng chưa?” Ngớ ra một lúc chúng tôi mới hiểu, thấy nóng là rút tay ra ngay. Mình chủ động nhấc thì mình cũng sẽ chủ động bỏ nếu quá sức. Chỉ cần đừng có lên gân, và không bị bọn ngoài xúi giục. Trong cuộc sống, chiêu này cũng áp dụng được.
Lại nói, có lần thầy demo dùng một tờ tiền 100 chém gẫy cây đũa khi ngồi ăn phở ở cửa hàng phở 24 Bà Triệu. Thấy bọn tôi trầm trồ thán phục, thầy giải thích: chẳng có gì là magic. Chúng mày có biết định luật bảo toàn, tờ giấy có khối lượng rất nhỏ, muốn tạo nên một động năng rất lớn thì phải có vận tốc rất lớn, như siêu xe lúc tăng tốc, vận tốc đó chính là quá trình chuyển khí trong người. Do tập luyện mà nên cả.
Có lần tôi thấy thầy đẩy nhẹ một cái mà ông bạn Tây của tôi nặng cả tạ văng ra xa, tôi liên tưởng ngay đến chưởng Kim dung, chắc phải có luồng khí phóng ra ào ào. Thầy liền làm lại thật chậm để chúng tôi xem, khi tay thầy chạm đến người đối thủ thì tay kia lập tức phản ứng lại thế nào, thầy rút tay lại tí chút để tay kia mất hết đà, lúc đó mới phát lực đẩy, khác gì ta búng một cái lá bay. Tất cả chỉ trong tích tắc, nhưng đúng là không huyền bí.
Khi sang Tampa, thấy các huynh đệ bên Mỹ tập chậm rề rề, tôi rất sốt ruột, bảo tập chậm thế kia đánh nhau thế nào được. Thầy hỏi, thế theo mày phải tập nhanh tới mức nào? Đương nhiên là tôi không biết Thầy mới từ tốn giải thích: khi đánh nhau, địch nhanh thế nào ta cũng phải nhanh hơn một chút. Địch thì chưa biết là ai, sao mà biết tập nhanh đến đâu được. Mày tưởng tập chậm là dễ à. Thử nhấc chân lên thật chậm xem, mỏi chưa? Đấy, cơ bắp luôn sẵn sàng, lúc cần nhanh bao nhiêu cũng được.
Chuyện như vậy, thiết nghĩ kể chẳng bao giờ hết. Chẳng bù cho mấy “sư phụ” lúc nào cũng kín kín hở hở!
Tam thanh đạo quán
Nguyễn Thành Nam tập Bát Quái Chưởng trên núi Lộc Sơn
Nhờ sự chỉ dẫn của thầy, cuối cùng tôi cũng đến đươc nơi Tẩy tủy công ra khỏi những đạo quán.
Y Vũ Lư Sơn là một ngọn núi đá ở huyện Trình Châu, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung quốc. Thủ phủ của tỉnh này là thành phố Thẩm dương, quê hương của các hoàng đế nhà Thanh (kiểu như Thiên trường của nhà Trần, Lam kinh của nhà Lê). Từ Thẩm dương đi ô tô chừng 3 tiếng thì đến chân của Y Vũ Lư Sơn. Nơi đây, hồi đầu thế kỷ 20, trong một lần dạo chơi, đại sư phụ Kiều Trường Hồng đã may mắn gặp Lư Sơn đạo nhân đang luyện công ở Tam thanh quán. Duyên số đã đưa Tẩy tủy công và Tiểu cửu thiên theo Tào đại sư xuống núi, rồi đi khắp thế giới như ngày hôm nay
Các bạn Trung quốc của tôi ở Thẩm dương đều nói, ngọn núi này là một trong những nơi phát tiết ra đạo giáo hàng nghìn năm trước. Tương truyền Trương Tam Phong, tổ sư của phái Võ đang và môn Thái cực quyền cũng thường luyện công trên núi này
Hạ Quán
Một mật thất trên đỉnh núi Lộc Sơn
Khoái Khoái Khoái, ngoài cõi trần
Nhàn nhàn nhàn, giữa mây vần
Diệu diệu diệu, hú một tiếng non vào núi
Đến đến đến, đảo bồng lai hoa xuân.
Miền đất dưới núi cực trù phú, táo mận đào chín đỏ, bọn tôi định chọn mua mấy quả ăn. Các bạn Trung quốc cười ha hả rồi đổ cả giỏ vào túi, không mặc cả gì cũng chỉ mất 10 tệ
Trên núi toàn đá tảng, cây cối rậm rạp xuyên qua đá. Điểm xuyết qua những cánh rừng thông ngạt ngào mùi nhựa, là những vách đá, cao sừng sững, trên vách vẽ hình chim cò hết sức kỳ thú. Đặc biệt có 1 mỏm đá nhòm xuống một vực sâu trông rất giống cảnh trong phim Kungfu Panda.
Tam Thanh quán có 3 khu. Hạ quán chỉn chu, có đường dẫn bằng những bậc thang đá trắng qua một con suối ngày đêm róc rách, đến thẳng cổng tam quan. Qua sân rộng có một chiếc đỉnh đồng cao ngất là miếu thờ nhỏ ở đằng sau. Hạ quán chủ yếu chỉ để dành cho khách tham quan
Thượng quán ở trên núi, chênh vênh bên một vách đá cao ngất. Trên vách đá dựng đứng có 18 hõm đá dẫn đến một cái hang nhỏ. Tương truyền đó chính là nơi các đạo nhân tu công luyện nội đan. Tiếc rằng thầy chưa truyền cho môn võ thạch sùng, nên tôi không dám liều mạng đu vào Thập bát bậc thang hiểm huyệt này. Trong sân sau của thượng quán có vẽ 5 vòng âm-dương nhìn vào một ngôi mộ đạo giáo cổ, chạm 2 con rồng đan lẫn vào nhau. Toàn quán vắng tanh, đượm một màu u tịch. Trời nắng đẹp, làm tôi nổi hứng đứng tấn được 5 phút, tự dưng thấy như có chân khí của người xưa truyền về. Nếu là chị em, chưa biết chừng 9 tháng sau lại sinh được quý tử
Trung quán là trung tâm của đạo quán, rộng rãi, dựa núi, nhìn sông. Ba chữ Tam Thanh Quán khắc nổi bật trên vách đá trắng. Ra đón chúng tôi là một đạo sĩ có võ danh là Mỹ Văn Tử (đấy là tôi đoán bừa từ chữ Hán trong name card) và một chú hầu nhỏ. Mỹ Văn Tử rất hào hứng dẫn chúng tôi vào viếng Tam thanh của Đạo giáo là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn, và Đạo Đức Thiên Tôn chính là Thái Thượng lão quân, và cũng là Lão Tử …,…. Rồi tặng một cuốn đạo đức kinh, có chữ ký riêng hẳn hoi. Tôi hỏi, chẳng hay đại huynh có nghe tên sư phụ Cao Tam Luân bao giờ, huynh trầm ngâm một lúc rồi bảo có, có. Chẳng hiểu là thực hay hư
Chia tay huynh, chợt thấy nắng rực lên, như có thiên khí tụ về
Trường đặc biệt
- Bọn mày phải nhớ trường võ là trường đặc biệt: không bao giờ tốt nghiệp, mà cũng ít khi dùng đến
- Thế thầy đã có bao giờ phải động thủ gây hại đến tính mạng?
- Có một lần, cũng không chắc có phải tại tao không?
Cách đây cũng đã lâu lâu rồi, hồi đó tao còn trẻ, khoảng xấp xỉ 40. Trong một dịp ăn tối ở Bangkok cùng với mấy Dato Mãlai, có một tay người HK, rất thích võ thuật, hơi hung hăng. Nghe mấy Dato nói tao là thầy, hắn tìm cách khiêu khích, lời qua tiếng lại rồi thách đấu. Đúng là lúc đấy tao còn trẻ quá, nên nhận lời. Thấy hắn hét lên một tiếng rất to xông vào và ra đòn cực hiểm. Cũng không nhớ tao đã phản đòn thế nào, chỉ thấy hắn đổ vật xuống. Sau một hồi vận khí trị thương, hắn ngồi dậy được, ăn tiếp và nằng nặc đòi nhận tao làm thầy. Sáng hôm sau, chỗ cườm tay hắn, nơi tiếp xúc với bàn tay tao, xuất hiện một vết chàm, vết này loang dần lên khắp người. Tao phải sang HK mấy tháng để giúp hắn chữa bệnh. Nhưng khoảng mấy năm sau thì hắn vẫn lăn ra chết. Không rõ nguyên nhân.
Thiền
Khoảng hơn 3 năm sau khi tôi biết thầy, một hôm bỗng nhiên thầy bảo: để tao dạy bọn mày thiền
Thế thiền để làm gì hả thầy?
Cao thủ võ lâm, trước hết là người luôn luôn biết thoát hiểm. Tức là không chết, thiền giúp ta làm điều đó!
Thế sao không học chạy hả thầy?
Hãy cứ tưởng tượng là mình đứng giữa, vây quanh bởi chục kẻ cựu thù, người nào cũng võ nghệ cao cường. Liệu chạy có thoát được không?
Chắc là không rồi!
Vậy đưa giấy đây, tao viết cho 5 chữ, có thể đọc là thế này: Định – Tĩnh – An - Lự - Đắc
Định, tức là không chuyển động (giống trong từ cố định vậy). Đừng nói chân tay mà từng đường gân, thớ thịt, ánh mắt đều phải im phăng phắc. Muỗi cắn, ong đốt cũng mặc
Tĩnh: (trong chữ bình tĩnh). Thì cũng là bất động, có khác gì định đâu? Hãy hình dung dòng suối đang lặng lẽ chảy, giữa dòng là một hòn đá lớn. Hòn đá là Định còn dòng suối là Tĩnh. Tĩnh tức là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, để thông tin bên ngoài tràn vào tất cả các giác quan của ta, rồi lại đi ra mà ta vẫn không phản ứng.
An: tức là không sợ (trong từ trấn an, an toàn). Trong vòng hiểm nguy, chấp nhận cái chết nhẹ như lông hồng. Người biết An là người như hoà thượng Thích Quảng Đức, tự tay đổ can xăng lên người mình, bình tĩnh ngồi xuống châm lửa, lửa cháy hết mà dáng ngồi vẫn còn nguyên.
Nhưng chúng mày nên nhớ rằng, chúng ta đang bàn việc “thoát hiểm”, học An không phải là để chết, mà là để tìm đường sống. Vậy nên, hãy nghe tiếp
Lự: Tức là lo (trong từ «tư lự»). Tập trung toàn bộ tinh trần và trí lực vào chỉ một điểm duy nhất. Câu các cụ nói «một người lo bằng kho người làm» là chỗ này đây. Trong vòng vây quanh ta, trong địa hình hiểm trở quanh ta, đâu là điểm yếu nhất để ta có thể chọc thủng
Và cuối cùng là
Đắc: tức là khi đã xử đủ 4 bước trên, hãy hành động một cách tự nhiên (trong từ đắc đạo), đi về hướng mà cơ thể mách bảo, ra đòn mà chiêu thức của ta dẫn dắt, trả đòn lựa theo hành động của kẻ thù
Cả 5 bước này có thể chỉ diễn ra trong tích tắc. Nó cũng không bảo đảm là có thể sống sót, nhưng nó bảo đảm là có cơ may sống cao nhất. Để khi rơi vào vòng nguy hiểm có thể thoát được, thì ngay từ ngày đầu luyện võ công, người học võ đã phải khổ luyện 5 bước Định – Tĩnh – An – Lự - Đắc
Võ thỏ
Có lần thầy Kao thi triển cho bọn tôi xem các thế võ bắt chước các con vật: nào khỉ, rắn, hổ, kỳ đà… Nhưng lạ nhất là thỏ. Thầy hỏi: theo mày thỏ sẽ đánh thế nào. Cả bọn đồng thanh: chạy Thầy cười: học theo các con vật là học tính cách của nó lúc nó hành động theo bản năng nhất. Con hổ thì là lúc thu người chuẩn bị vồ mồi. Võ hổ vì thế ko gầm gào mà âm u dồn nén. Còn thỏ thì bản năng nhất là lúc bị túm hai tai xách lên. Nó sẽ quẫy. Nói đoạn thầy làm như bị trói 2 tay rồi bảo chúng tôi đứng gần lại, lắc mình nhẹ một cái là mỗi thằng đã văng ra mấy mét
Truyền nhân
Thầy nói, môn phái quan trọng nhất là trường tồn. Mục đích cuộc đời của một võ lâm cao thủ là đi tìm truyền nhân cho môn phái. Trong đám đệ tử khác với học trò (thầy dùng chữ disciples và students), sẽ chọn ra đệ tử chân truyền. Lũ ú ớ như bọn tôi thì thậm chí chưa phải là students. Truyền nhân là người sẽ có trách nhiệm lưu truyền những bí quyết của môn phái. Trong một đời, luôn luôn chỉ có hai thế hệ. Phải đợi đến lúc sư phụ của thầy mất, thầy mới có thể chính thức công nhận truyền nhân. Thầy chia sẻ nỗi buồn rằng đệ tử đời sau của môn phái không phải là người da vàng nữa rồi. Kao sư phụ là chưởng môn đời thứ 34. Đệ tử chân truyền đời thứ 35 là một công dân Mỹ, Edward. Đại huynh nói có lẽ kiếp trước tao là người Trung hoa. Luyện võ thuật từ năm 10 tuổi. Đã học với thầy 18 năm. (đại huynh chắc cỡ 45-50 tuổi). Tuy gánh trên vai gánh nặng ngàn năm lịch sử nhưng huynh vẫn tin tưởng vào một ngày tinh thần võ hiệp sẽ thống trị thế giới. Đại huynh thông báo hiện đã có đồ đệ mở trường tại Bologna, Italia. Tháng 12 tới, đại huynh sẽ có chuyến biểu diễn mở mang tại Munich.
Mỗi môn phái thường có một bài thơ dài, lưu giữ như báu vật. Mỗi một thế hệ truyền nhân khi lấy võ danh thường đều phải dùng một chữ của bài thơ đó để làm đệm. Bởi vậy chỉ cần nhìn võ danh là biết ngay cao thủ này thuộc thế hệ nào của môn phái.
Ví dụ môn phái FPT, bài thơ là “Tôn Đổi Đồng, Chí Gương Sáng” thì đời đầu sẽ đặt võ danh là Trương Tôn Gia Bình, đời hai thì đặt là Hoàng Đổi Nam Tiến, rồi sau nữa có thể là Hoàng Đồng Việt Anh ,…
Được thế thì còn mơ ước gì hơn
Khẩu quyết tiếng Tàu
Nhân câu hỏi của Tuấn, nhớ hôm thầy nói, để đổi gió hôm tao sẽ dạy bọn mày món Book of Tender Change. Chắc bọn mày đã nghe tiếng môn này rồi. Cả bọn há mồm! Thầy ngạc nhiên lắm: sao bảo bọn mày đứa nào cũng đọc Kim Dung mà chưa biết môn này à. Bèn nhờ thầy viết ra chữ Hán rồi nhờ a Phương đọc. Hóa ra là Dịch Cân Kinh
Chưởng
Đọc Kim Dung, thấy phóng chưởng uỳnh uỵch, rồi búng lá một phát chết tươi người, rồi nhún chân nhảy qua bức tường cao. Không biết thật hư thế nào, đem hỏi thầy
Một lần ở Quán Gió Hồ bảy mẫu, thầy bảo tôi đứng lên rồi ẩn cho một phát ngã ngồi xuống. Thầy hỏi có đau không? Đau! Lại bảo đứng lên, rồi đưa tay một phát. Thấy mình văng ra mấy mét. Thầy hỏi đau không? Không thấy gì. Anh em nhao nhao, chân gỗ, chân gỗ. Thầy lại bắt Thành còi, rồi Thành béo lên. Thằng nào cũng vậy, rõ là chưa thấy thầy chạm gì mà đã văng đi mấy mét. Riêng Thành còi thầy phải giơ tay nắm lại sợ bay xa quá ngã giập mặt. Thầy bảo, bọn Mỹ trắng mà còn fly nữa là chúng mày! Rồi chia sẻ: nếu ra đòn mạnh nữa, cơ thể không kịp chuyển động, chúng mày sẽ bị nội thương, giập cả lục phủ ngũ tạng mà bên ngoài không có dấu vết gì. Kinh bỏ mẹ, không thằng nào dám thử
Một lần nữa, đi ăn phở 24 (lúc đấy vẫn ở 24 Bà Triệu) với Giang HvN và sư tỷ Su. Ăn xong, tán phét, sư tỷ gạ thấy tung chưởng. Không hiểu sao thầy rất nghe lời sư tỷ. Bèn mượn tôi 1 tờ tiền. Tôi đưa 100,000 thầy ko lấy, hỏi có tiền đô ko? May quá trong ví có tờ 100 đô. Thầy cầm lấy gập đôi, rồi bảo tôi giữ lấy 2 đầu đũa. Nghe xoẹt một cái, thấy cái đũa gẫy tan. Giang há mồm. Tôi hỏi, sao phải tiền đô hả thầy. Phải đô chứ, thông thường demo xong là tao lấy luôn mà, nói rồi điềm nhiên cho tờ tiền vào ví
Có lần tôi hỏi, liệu luyện khí có nhảy qua tường cao được không? Thầy bảo, khoảng 4m thì ok. Tôi bảo, sao các võ sư không đi thi Olympic, vô địch luôn. Thầy nhìn thương hại: luật nhảy cao Olympic chỉ cho nhún 1 chân nên võ sư ko nhảy được. Tôi hơi ngạc nhiên, nhún 2 chân thì nhảy cao thế quái nào được. Thầy giảng: không phải hai mà là dùng cả tứ chi, ngồi chùm hụp như con ếch ấy. Rồi đẩy khí ra tất cả bàn tay, bàn chân. Bốn động cơ phản lực sẽ đưa cả người lên cao. Còn trong phim là chúng nó bốc phét đấy. Tôi gạ thầy demo, tiếc rằng ko có sư tỷ, nên thầy từ chối
Bệnh
Vừa nhìn thấy a Phương, sư phụ nói ngay: mày đang có bệnh nguy hiểm đến tính mạng, kinh mạch tắc hết rồi. Nói rồi vận khí, điều thương. Cả người anh Phương vặn vẹo như lên đồng, tư thế cực kỳ quái dị mà người thường không thể nào thực hiện lại được. Thầy giải thích, khí bị tắc nên rất đau, nó mới uốn éo người cho đỡ đau. Một lúc sẽ trở lại bình thường thôi. Quả nhiên một lúc sau anh từ từ đứng lên được
Anh Phương là người từng trải, học cùng trường với tôi bên Nga, khi FPT kiếm được 1 triệu đô đầu tiên thì anh đã mất 1 triệu đô. Anh học về xã hội, nói được tiếng Tàu nên tâm sự với thầy hợp, lại thêm chăm chỉ tập luyện nên nhanh chóng đắc khí.
Khoảng mấy tháng sau, tự nhiên thấy anh gọi điện: “Nam, mai đi uống với anh, đã lâu lắm rồi anh không tổ chức sinh nhật vì ko biết sống đến bao giờ, nhờ có duyên gặp thầy, anh biết mình sẽ sống”
For what?
Sau khi thấy sư phụ demo những món võ đặc hiệu như xà quyền, cẩu quyền, hầu quyền hay thậm chí điệp quyền (phỏng loài bướm), ông bạn Mỹ của tôi quá kinh ngạc buột miệng hỏi: For what purpose you practice to mastering thoses skills? Thầy ngớ người ra, ko biết trả lời thế nào. I don’t know, I just do it!
Vốn là người Việt nam, nặng bệnh thi cử, tôi mới hỏi thầy: không hiểu trên giang hồ thì bao nhiều người có thể đả bại được thầy?
Thầy nhìn tôi độ lượng
Người ta chỉ thi triển võ công trong 3 trường hợp: for fun, for food and for life
For fun (DatPP chữa là for name), tức là để biểu diễn, làm le, lấy tiếng. Môn phái của ta không bao giờ làm như vậy
For food, tức là để kiếm miếng ăn, tao may quá được học trò nuôi, không phải lục lâm mãi lộ
Còn for life, khi sinh mệnh bị đe dọa, you just go, don’t ask question, bất cứ đối thủ mạnh đến đâu, cũng phải tìm cách đả bại.
You feel it?
Đây là câu hỏi thầy thường xuyên hỏi khi tập.
Luyện khí thì “have you feel the chi?”. Tập quyền thì “have you feel the air in your hand?”. Khi thầy thi triển hổ quyền, “I feel like I’m a tiger”. Thầy để tay lên tay tôi và hỏi “do you feel me?”
Tôi không rõ chữ tàu chữ này nghĩa là gì, nhưng rõ ràng nó hàm chứa một nghĩa rất rộng. Mỗi người chúng ta chỉ là một phần nhỏ của cả thế giới. Nhưng nếu ta “feel” được nó, chúng ta sẽ rất tự tin
Let’s go
Trong một bài tập, chúng tôi phải liên tục đấm tay ra trước trong lúc đứng lên ngồi xuống. Thầy làm mẫu, cả bọn làm theo, chân mỏi dừ, nhưng đứa nào cũng cố đấm cho mạnh. Lúc giải lao, say sưa cãi nhau là nắm đấm nắm ngang hay để đứng, ra tay đến đâu là vừa sức đánh chết thằng đối phương tưởng tượng. Thầy chạy ra xem kêu giời, sai hết rồi. Không đấm đá gì ai cả. Just let go, để nắm tay đi ra hết tầm, hoàn toàn thả lỏng, không cần lực leo gì hết. Thế có chết không, nhìn đồ hình mà tập là bỏ mẹ ngay
Let go, theo như thầy luôn nhắc, là để body của mình đi hết trạng thái của nó, không ngăn lại giữa chừng. Các bạn cứ thử mà xem, khó phết đấy.
Tẩy Tủy Công - Thơ Vần - Tác giả Hoàng Tô
Dịch ý bản gốc Kinh văn
Ban sơ học Thần Công Tẩy Tủy
Cốt sao cho thông khí “Tứ tiêu” (1)
Thường xuyên gõ đập chăm đều
Giữ gìn cốt tủy sớm chiều hành công
Thất tuần đầu khổ công rèn luyện
Dần tựu thành “Ngũ khí triều nguyên” (2)
Luyện sau trăm chẵn ngày liền
“Tam hoa tụ đỉnh” (3) thần tiên nào bằng
Tập tành hẳn trước căng, sau nhẹ
Càng chuyên tâm càng dễ nhập môn
Đại đạo đường lớn thẳng dồn
“Kỳ kinh bát mạch” ôn tồn lưu thông
Hai chỗ phải luyện công cho tới
Là “Chu luân” (4) cùng với “Hoành ma” (5)
Đồng thời thi triển hài hòa
Dịch Cân - Tẩy Tủy, ấy là chân kinh
Bí quyết luyện “Chu luân” 5 chữ
Tranh, Nhu, Tha, Trụy, Phách cùng nhau
“Tranh” là hòn dái cọ mau
Làm cho tinh khí tự đâu tràn đầy
“Nhu” là xát với day tiền liệt
Giúp trẻ trung, chữa tiệt u nang
“Tha” - xoa nắn rất nhẹ nhàng
Đúng nơi đúng chỗ, chặn ngang tiểu đường
“Trụy” – treo đá gốc dương vật nặng
Vĩ trượng phu (6) thượng thặng cương hoan
“Phách” – dùng tay vỗ tinh hoàn
Ngăn ngừa lão hóa, mắt vàng sáng ra
Bí pháp luyện “Hoành ma” 7 chữ
Ác, Thúc, Dưỡng, Yết, Bế, Soái, Đề
“Ác” là sinh lý đê mê
“Đâu thận quán đỉnh” (7) tái tê nhẹ nhàng
“Thúc” – dải lụa thắt ngang gốc dái
Giúp toàn thân thư thái vô cùng
“Dưỡng” là nam nữ thung dung
Giao hoan hợp bích anh hùng Tố nga
“Yết” - luyện thở “Hoành ma” huyệt đạo
Bổ thận can, bình mạo lưỡng kinh
“Đề” – vận khí tự Dũng tuyền
Thẳng lên Bách hội tựa thiền “Trạm Công” (8)
“Bế” - thuật cải lão hoàn đồng
“Soái” - trừ mệt nhọc gọn trong tức thì
Mười hai bí quyết vi ảo diệu
Tổng hợp thêm còn thiếu chữ “Cương”
Luyện công phương pháp lạ thường
Từ nhẹ đến nặng tự lường sức ta
Không đếm số lần qua luyện tập
Ít hay nhiều gắng nhập ắt thành
Đến khi lô hỏa thuần thanh
Thay xương đổi thịt tươi xanh muôn phần
Bộ phận yếu sẽ dần nên khỏe
Cơ thể già sẽ trẻ trung ra
Chỗ mềm cứng tợ rễ đa
Chỗ co rụt sẽ dài ra nhiều phần
Gỗ đá rắn ngàn lần chẳng ngán
Chốn sa trường trăm trận chẳng nguy
Nếu như nương thuận thói tùy
Sinh thành người giỏi, hổ truy dãi rồng
Còn như ngược thói bao đồng
Thành tiên, tủy hổ bị rồng nuốt chơi
Bí quyết đảo ngược nơi chừng giữa
Thu tại ta, nhả nữa tại ta
Công phu tóc dựng phong ba
Huyết sôi vũ dũng xem ra có thừa
Lại có thể ngăn ngừa lão hóa
Tự thân ta lập cả mệnh ta
Không liên quan đến trời già
Thuốc thần trong cõi ta bà nào hơn
Pháp công cấm truyền ngoài môn phái
Thiếu phúc duyên phải loại thẳng tay
Chưa tin cẩn chớ truyền ngay
Cố công luyện tập ắt ngày xiển dương!
---------------------------------
(1) Tứ tiêu: 4 cái ngọn của cơ thể người bao gồm lưỡi, răng, móng, tóc
(2) Ngũ khí triều nguyên: bao gồm tâm, can, tạng, phế, thận
(3) Tam hoa: tinh, khí, thần
(4) Chu luận: danh từ chuyên môn của Đạo gia, ý chỉ tinh hoàn (hòn dái)
(5) Hoành ma: là bảo kiếm đặc biệt của Huyền hoàng Tiểu cửu thiên môn truyền lại từ thượng cổ, là một ẩn dụ được hiểu là dương vật hoặc sự cương cứng của đàn ông.
(6) Vĩ trượng phụ (nguyên văn): ông chồng khỏe và đẹp
(7) Đâu thận quán đỉnh: chưa tìm hiểu được rõ nghĩa
(8) Trạm công: ngồi thiền, đề khí từ huyệt Dũng tuyền (gan bàn chân) lên đến huyệt Bách hội (đỉnh đầu) thì mở mắt, ngẩng đầu, nín thở.
Hiệu ứng phụ
(xin lỗi trước vì chuyện hơi nhạy cảm, nhưng bảo đảm có thật)
Có lẽ các học trò của thầy khoái nhất môn này. Có quá nhiều huyền thoại. Wong bảo tôi, mày cứ hỏi thẳng thầy đi thầy dạy cho, môn: đoạt âm phù dương. Bảo đảm lấy được khí của chị em, càng chơi người càng sảng khoái. Tôi thì không hứng thú lắm. Nhưng Wong thì vô cùng say sưa.
Có lần gặp một ông già trong căn hộ của thầy bên Mã, tên Ng, tính tình vui vẻ, da dẻ hồng hào, hỏi chẳng hay ông tập được bao lâu. Ông nói, lâu rồi. Thế kết quả ra sao. Trước khi gặp thầy, tao yếu lắm. Đi còn không ngẩng đầu lên được. Còn bây giờ mày nghe đây này. Nói đoạn ông rút điện thoại di động, bật cho tôi nghe một loạt nhạc chuông, toàn những tiếng kêu la rên rỉ. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Ông thì thầm: toàn của các bạn gái tao đấy, đến lúc cao trào của các em là tao lại rút điện thoại ra ghi lại, làm nhạc chuông. Mày thấy oách không?
Quá oách. Phải gọi là bố oách
Võ đạo tức là nghệ thuật tránh lâm chiến
Tốt hết là đừng để cho họ biết là mình biết
Chẳng may đã lộ diện thì cũng kiên quyết không tham chiến
Chẳng may phải tham chiến thì cũng chỉ tìm đường tránh đòn
Nếu đã phải ra đòn, thì cũng tuyệt đối chỉ ra lại đúng lực và tốc độ mà đòn của đối phương đánh tới
Mấy phương châm này không biết có đem áp dụng vào đời thường được không?
Thầy còn đùa, học võ thường chia làm 4 giai đoạn, cách nhau khoảng 5-6 năm
Sau giai đoạn 1 rất thích tìm người để đánh nhau, hết lớp 2 thì chỉ đánh trả khi bị người đánh, hết lớp ba thì khi bị người đánh sẽ xin lỗi, còn hết lớp 4 thì tránh xa chỗ có mùi đánh nhau.
Tập luyện thì chậm, động thủ thì nhanh
Thấy các đại ca lúc động thủ thì nhanh như cắt, mà lúc tập cứ lờ đà lờ đờ múa may, tôi rất lấy làm khó hiểu. Thầy chỉ bảo, tập chậm để cơ thể chịu đựng ở trạng thái căng thẳng nhất (kiểu như bị tra tấn) tích lũy ngày này sang ngày khác, khí huyết, cơ bắp luôn sẵn sàng. Khi động thủ thì tốc độ hoàn toàn phụ thuộc vào đối thủ cũng như hoàn cảnh, mình đâu có biết trước mà tập!
Vậy mà mình toàn làm ngược lại, tập thì nhanh như cắt cho xong chuyện, đến lúc phải ra tay thì lại lờ đờ
Các mốc thời gian quan trọng
2002
Sư phụ lần đầu sang Việt Nam. Năm học viên đầu tiên của sư phụ và chức danh tại thời điểm đó:
- Bùi Khắc Sơn (phó Tổng giám đốc VietInBank)
- Đỗ Quang Tảo (Giám đốc công ty tư vấn BFC)
- Nguyễn Thành Nam (Tổng giám đốc FPT Software)
- Vũ Viết Ngoạn (Tổng Giám đốc VietcomBank)
- Nguyễn Xuân Hiếu (Chuyên gia tư vấn World Bank)
Khi đó thầy ở trong ngôi nhà do các bạn SilverLake thuê trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội
2007
Được sự gợi ý của thầy, Chủ sở hữu hãng đồng hồ Thụy Sĩ Ulysse Nardin, đồng ý chế tạo phiên bản đặc biệt cho Tẩy Tủy Công Việt Nam, với chỉ 10 chiếc, có chữ ký của thầy, và bán với giá cost. Đây là những người sở hữu chiếc đồng hồ đặc biệt này
Rolf Schynder, Nguyễn Thành Nam và Kao Sư Phụ 2007
- Đỗ Quang Tảo
- Nguyễn Thành Nam
- Nguyễn Thành Nam
- Nguyễn Xuân Hiếu
- Nguyễn Duy Hưng
- Nguyễn Khắc Thành
- Nguyễn Lâm Phương
- Đặng Minh Tuấn
- Quản Xuân Trung
- Hoàng Nam Tiến
- Bùi Thiện Cảnh
Năm 2010, có 2 sự kiện lớn
- Tháng 5/2010, lần đầu tiên tôi đến thăm nhà sư phụ tại Tampa, bang Florida, Mỹ cùng tập luyện với các huynh đệ Mỹ trong gara nhà thầy. Các huynh đệ Mỹ thấy mình lẻo khoẻo mà tập luyện, chắc phải cao thủ lắm nên hết sức nương tay
Nguyễn Thành Nam thăm thầy Kao và các học trò Mỹ 2010
- Tháng 8/2010, tình cờ tôi tìm được Y Vũ Lộc Sơn nơi đại sư phụ Kiều Trường Hồng xuống núi khởi nguồn cho sự phát tán của Tiểu Cửu Thiên và Tẩy Tủy Công
Nguyễn Thành Nam tập Bát Quái Chưởng trên núi Lộc Sơn
Nguyễn Thành Nam tìm ra và thăm núi Lộc Sơn năm 2010
2012
- Trong chuyến đi thăm nhà sư phụ cùng đệ tử mới Bùi Hoàng Tùng, sư phụ đã giao cho tôi cuốn chân kinh của đại sư phụ Kiều và dặn tôi dịch ra tiếng Việt.
2013
- Sư phụ lần đưa sư mẫu sang thăm Việt Nam cùng sư tỷ Sue và vợ chồng Dominic
2014
Các Học trò Việt Nam thăm núi Lộc Sơn và Tam Thanh Quán năm 2014
Đoàn về nguồn số 1 đi YVLS gồm có 10 thành viên và gia đình
- Nguyễn Thành Nam và vợ Nguyễn Liêu Ba
- Phan Phương Đạt và vợ Nguyễn Hoài Quy và con gái
- Phạm Thị Thu Hà và chồng Trần Quốc Toản và con trai
- Đỗ Khắc và vợ và con trai
- Nguyễn Ngọc Quang
- Lê Hà Đức
- Doãn Thế Dũng
2015 có hai sự kiện lớn
- Tháng 4, ra mắt chân kinh bản tiếng Việt với tiêu đề “Tẩy tủy công phu chi chân đế”, do anh Nguyễn Hải Hoành, một nhà Hán học và yêu thích đạo Lão dịch.
- Hộ tống Sư phụ và Đại huynh Edward về thăm Y Vũ Lộc Sơn cùng các huynh đệ Mã, Estonia, Singapore
2017
- Sư phụ dẫn đoàn huynh đệ Việt Nam sang Đài Loan thăm Đại sư mẫu và Miếu Hoàng đế, nơi sư phụ đã bắt đầu tập luyện với Đại sư phụ.
2018
- Các huynh đệ Malaysia sang thăm Việt Nam và tham dự đại hội tại Cần Thơ
2019
- 4/2019 đoàn huynh đệ VN đi thăm nhà sư phụ và giao lưu với các huynh đệ Mỹ
- 08/2019 đoàn Việt Nam tháp tùng Kao sư phụ hành hương về núi Lộc Sơn lần 2
- 12/2019 sư phụ dẫn đoàn huynh đệ Mỹ sang thăm Việt Nam
2023
- Khai trương trụ sở ở Dolphin Plaza, đón Sư phụ sang thường xuyên ở và chỉ đạo anh em hội ta tại Việt Nam
Các kỳ Đại hội
Từ năm 2012, Hội tổ chức đại hội thường niên, là dịp anh em tụ tập, trao đổi
- 2012 – Fsoft House Hà Nội
- 2013 – Fsoft House, Hà Nội
- 2014 – FPT City, Đà Nẵng có sư phụ tham dự
- 2015 – Fsoft House, Hà Nội
- 2016 – Salut Tửu quán, Hà Nội
- 2017 - Công viên Cá Voi, Đà Nẵng,
- 2018 – Cần Thơ, có sư phụ và huynh đệ Mã tham dự
- 2019 - Đà Nẵng, có sư phụ và huynh đệ Mỹ tham dự
- 2020 – Đà Nẵng – Tropical Chalet
- 2021 – Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội, sư phụ tham dự online
- 2022 – Quy Nhơn, có sư phụ tham dự